Nhận định Tố_Hữu

Tố Hữu được tôn vinh là “nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân”, “ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam”, “người có công đầu xây dựng nền thơ ca cách mạng Việt Nam”,”một cuộc đời trọn vẹn với Cách mạng – Nghệ thuật – Tình yêu”, “một viên ngọc trong nền văn hóa Việt Nam”, “nhà thơ của chủ nghĩa nhân văn cách mạng”[7]

Tố Hữu không chỉ nổi bật trong tư cách nhà thơ, ông còn là nhà lãnh đạo chủ chốt của mặt trận tư tưởng, văn hóa văn nghệ Việt Nam trong thời gian dài. Ông hăng hái xây dựng nền văn hóa, văn nghệ nhân dân, say mê nền văn hóa mới mang đậm tính dân tộc, tính tiên tiến và tính nhân văn. Tố Hữu rất coi trọng việc khai thác và phát huy các vốn cổ dân tộc, những loại hình văn học nghệ thuật dân gian, cổ truyền của cộng đồng, của từng dân tộc và từng địa phương[11].

Nguyễn Huy Tưởng đã dành cho Tố Hữu những dòng bày tỏ sự yêu quý, kính trọng, như: “Tố Hữu vững chắc quá, được toàn thể anh em văn nghệ sĩ kính phục” (trích nhật ký ngày 28 tháng 9 năm 1949); “Nghĩ đến Tố Hữu, rực rỡ như vàng, như ánh sáng” (trích nhật ký tháng 12-1949); “Hôm nay lại tranh thủ ý kiến Tố Hữu. ý kiến hay...” (trích nhật ký ngày 28 tháng 4 năm 1959); “Lên chơi Tố Hữu. Thoải mái. Nói chuyện sắp đi Vĩnh Linh. Tố Hữu tán thành. Cần phải đi cho biết rộng” (trích nhật ký ngày 8 tháng 8 năm 1959); “Lên gặp Tố Hữu. Nhắc chuyện 1956, một dự định kịch và tiểu thuyết của ta cái hồi ấy... Tố Hữu đã góp cho nhiều ý kiến về vấn đề này”. Qua buổi gặp đó, Nguyễn Huy Tưởng thấy “yêu Đảng, yêu cách mạng” (trích nhật ký ngày 11 tháng 10 năm 1959)

Nhà văn hóa Đặng Thai Mai nhận xét: “Trong thơ Tố Hữu, nét nổi bật đáng quý là sự nhất trí. Nhất trí giữa đời sống và nghệ thuật. Nhất trí giữa tình cảm, tư tưởng và hành động. Nhất trí giữa con người với thời đại, với tập thể... “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau”[7]

"Tôi chỉ biết ông là nhà thơ có nhiều bạn đọc nhất trong thời đại của ông. Tôi chỉ biết rằng ông đã sinh ra đúng thời. Giọng nói của ông là giọng nói của thời đại ấy. Có hai người làm thơ sinh đúng thời nhất: Tố Hữu và Trần Đăng Khoa. Tôi không hiểu nếu những năm tháng này, Tố Hữu đang 20 tuổi trai trẻ và Trần Đăng Khoa đang 8 tuổi ấu thơ thì giọng nói của họ sẽ vang lên như thế nào. Họ có tài và họ sẽ làm thơ. Nhưng họ sẽ viết những câu thơ ra sao? Tôi luôn luôn nghĩ Tố Hữu là người nghệ sĩ nhân dân. Thơ ông là bài ca vui bất tận. Khi thơ ông bước vào cái tuổi sung sức nhất lại chính là lúc dân tộc Việt Nam sau bao năm làm thân phận nô lệ đã thành người tự do. Ai sống trong thời đại ấy cũng sẽ quên đi những nỗi buồn cá nhân để cất cao tiếng hát của mình trong bài ca độc lập của dân tộc."
— Tố Hữu và ngọn đèn đã tắt- Nguyễn Quang Thiều
"Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng. Đọc ông trong bất cứ hoàn cảnh và tâm trạng nào, ta cũng thấy phấn chấn, náo nức như đi trẩy hội. Đến đâu cũng nghe vang tiếng trống, tiếng kèn. Mà thơ ông đâu chỉ có trống phách linh đình như một đám rước, ông còn bắn cả 21 phát đại bác vang trời. Cho đến nay, chỉ có ông là nhà thơ Việt Nam duy nhất đã bắn đại bác trang trọng như thế."
— Chân dung và đối thoại- Trần Đăng Khoa
"Cuối cùng, như mọi kiếp người, ông đã giã từ đời sống về nơi cát bụi trong một ngày mùa đông giá rét. Ông không còn được lưu lại trên thế gian để đón thêm một mùa xuân nữa. Từ đây, những câu thơ viết về mùa xuân của ông mà có thời rất nhiều người đọc Việt Nam chờ đợi khi xuân tới sẽ chẳng bao giờ sinh ra. Một lần, tôi gặp ông trong một cuộc hội thảo, ông bảo tôi: "Hôm nào tới nhà mình chơi, mình kể cho ông mấy chuyện hay lắm. ông có khả năng viết tư liệu đấy." Nhưng cuộc trò chuyện ấy không bao giờ có được. Có thể sau này, khi tôi cũng thành người thiên cổ và gặp ông ở cõi vĩnh hằng thì có thể tôi sẽ được ông kể cho nghe. Nhưng tôi nghĩ trong cõi vĩnh hằng, những chuyện dở, chuyện hay chẳng còn quan trọng gì nữa. Vì nơi ấy, mọi đau khổ đều được chữa chạy, mọi tăm tối đều được chiếu sáng, mọi lầm lỗi đều được tha thứ, mọi sợ hãi đều được che chở, mọi tuyệt vọng đều được cứu vớt... Giờ đây, linh hồn ông đang mỉm cười hay đang suy ngẫm, thở phào nhẹ nhõm hay dằn vặt khổ đau -"
— Tố Hữu và ngọn đèn đã tắt- Nguyễn Quang Thiều[12]
"Với tư cách là người làm việc lâu năm với anh, tôi muốn nói một điều: Yêu dân, yêu nước, yêu Đảng, yêu Bác, yêu người thân, yêu bạn bè, tình yêu bao la không bờ bến... Thời gian qua đi, tất cả đều có thể nhạt nhòa, chỉ có tình thương yêu con người và sự tôn trọng phẩm giá con người là tồn tại mãi mãi với thời gian. Phẩm chất ấy là cốt lõi của thơ Tố Hữu, của nhà cách mạng Tố Hữu, của phong thái Tố Hữu"
— Hà Xuân Trường[13]
" Thời đại ta đã may mắn có được nhà thơ Tố Hữu"
— Hoài Thanh[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tố_Hữu http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb12102482c http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb12102482c http://www.idref.fr/031274404 http://id.loc.gov/authorities/names/n50016803 http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2004/11/3b9d90a8/ http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000108773030 http://www.tienve.org/home/literature/viewLiteratu... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2007/1... http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/dau-xuan...